Năm 2014 được cho là đánh dấu sự kết thúc chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn trong năm 2015, và phải đến năm 2018 mới có sự phát triển ổn định.
Kết thúc chu kỳ đi xuống
Đa số các công ty kinh doanh bất động sản đều thừa nhận, năm 2014 kết quả kinh doanh đã vượt chỉ tiêu đề ra. Một số "ông lớn" trong ngành tỏ ra rất tự tin khi công bố kết quả kinh doanh của đơn vị mình. Đơn cử, Công ty Novaland trong năm 2014 đã bán ra được hơn 3.000 sản phẩm chỉ riêng thị trường Tp.HCM, gấp ba số lượng năm 2013. Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc của đơn vị này còn cho biết, trong năm qua, có khoảng 30.000 lượt khách hàng tìm hiểu thông tin dự án tại sàn giao dịch của công ty.
Một đơn vị khác là Tập đoàn Đất Xanh cũng có kết quả kinh doanh rất tốt khi bán được 8.800 sản phẩm trên toàn quốc, tăng gần gấp đôi so với năm 2013.
Giao dịch bất động sản trong năm 2014 đã tăng mạnh.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như những sự kiện chào bán rầm rộ gần đây cho thấy, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều giao dịch thành công cho thấy cung - cầu thị trường đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Đồng thời, lãi suất vay mua nhà giảm và tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ được cải thiện rõ rệt giúp khơi thông thị trường BĐS.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, so với đầu năm 2013, lượng giao dịch BĐS liên tục gia tăng. Đặc biệt, trong năm 2014, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM lượng giao dịch tăng gấp đôi. Một dấu hiệu khác cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường, đó là, dòng tiền của các ngân hàng hướng vào thị trường đang mạnh trở lại. Dòng tiền của người dân và các DN đầu tư nước ngoài (FDI) vào các dự án cũng tăng. Những dấu hiệu này còn cho thấy một "niềm vui" khác, đó là người tiêu dùng đã có niềm tin trở lại đối với thị trường BĐS.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, đến thời điểm hiện tại đã tiêu thụ được 8.208 căn hộ trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho tính từ cuối năm 2012 (chiếm gần 57%). Trong đó, riêng năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. Với các dự án mới, tính chung trong năm 2014 có khoảng gần 8.400 căn hộ được chào bán, tăng 227% so với năm trước (năm 2013 có khoảng gần 3.700 căn hộ được chào bán), trong đó có khoảng 50-70% căn hộ được đặt mua.
Phát triển ổn định từ năm 2018?
Nhận định về tình hình thị trường BĐS trong năm 2015, TS Lê Xuân Nghĩa- thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ nhà nước cho rằng, năm 2015 có nhiều yếu tố kích thích BĐS phát triển như các luật liên quan đến BĐS đã đi vào hoàn thiện; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện là giá trị gia tăng kích thích thị trường BĐS. Bên cạnh đó, giá dầu giảm và dự báo sẽ ổn định ở mức thấp cũng là yếu tố thuận lợi cho thị trường BĐS.
Cân đối cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu dầu thì nếu giá dầu giảm 10% thì tăng trưởng kinh tế khoảng 0,31%, chỉ số giá tiêu dùng giảm khoảng 0,34%. Chính vì vậy, giá dầu giảm có thể làm cho cầu kinh tế nội địa phục hồi và tiêu dùng tăng, trong đó tiêu dùng lớn nhất chính là cầu nhà ở, ông Lê Xuân Nghĩa phân tích thêm.
Hiện tại, các doanh nghiệp đều tỏ ra khá lạc quan về tình hình thị trường BĐS năm 2015. Tuy nhiên theo ông Lê Xuân Nghĩa, dù có nhiều yếu tốt thuận lợi nhưng BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Chưa thể khẳng định thị trường có thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2015 mà khả năng đến năm 2018 mới trở lại hoàn toàn bình thường, giá cả ổn định. Để BĐS phát triển bền vững thì Bộ Xây dựng phải quan tâm đến vấn đề thể chế và thủ tục hành chính, bởi đó là lực cản lớn nhất của thị trường hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức cũng cho rằng, năm 2014 đã kết thúc chu kỳ đi xuống của BĐS. Tuy nhiên, những tín hiệu tốt của thị trường như giá cả không tiếp tục đi xuống, lãi suất giảm… chỉ mới là bề nổi, trong khi đó tồn kho, nợ xấu- khó khăn rất lớn của BĐS vẫn chưa thực sự được giải quyết. Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp không nên chủ quan mà phải tiếp tục nỗ lực vượt lên giải quyết những khó khăn của mình để tiếp tục vượt qua những khó khăn còn tiếp diễn trong năm 2015.
Không chỉ hàng tồn kho BĐS, mà theo bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nguồn cung mà các doanh nghiệp đang tung ra cũng là điều rất lo ngại. Nhất là khi con số chính xác về hàng tồn kho thì chưa đơn vị, cơ quan nào khẳng định được. Do đó nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ồ ạt bung hàng thì tương lai dư cung là điều chắc chắn. Do vậy, theo bà Loan, Sở Xây dựng cần thống kê số lượng dự án, tiến độ thực hiện thật chính xác để DN và người dân tham khảo, tránh rơi vào tình trạng cung vượt cầu khiến thị trường lại đi vào "vết xe đổ" như trước đây.
datdian.vn